Yết Kiêu

(cổ tích Việt Nam)

Ngày xưa có một người tên là Yết Kiêu ở làng Hạ Bì làm nghề đánh cá. Một hôm, ông ta đi dọc theo bờ biển về làng bỗng thấy trên bãi có hai con trâu đang ghì sừng húc nhau dưới bóng trăng khuya. Sẵn đòn gánh, ông cầm xông lại phang mạnh mấy cái vào mình chúng nó. Tự dưng hai con trâu chạy xuống biển rồi biến mất. Ông rất kinh ngạc đoán biết là trâu thần. Khi nhìn lại đòn gánh thì thấy có mấy cái lông trâu dính vào đấy. Ông mừng quá bỏ vào miệng nuốt đi. Từ đó sức khỏe của Yết Kiêu vượt hẳn mọi người, không một ai dám đương địch. Đặc biệt là có tài lội nước. Mỗi lần ông lặn xuống biển bắt cá người ta cứ tưởng như ông đi trên đất liền. Nhiều khi ông sống ở dưới nước luôn sáu bảy ngày mới lên.

Hồi ấy có quân giặc ở nước ngoài sang cướp nước ta. Chúng cho một trăm chiếc tàu lớn tiến vào cửa biển Vạn Ninh vây bọc, bắt tất cả thuyền bè, đốt phá chài lưới. Đi đến đâu, chúng cướp của giết người gây tang tóc khắp mọi vùng duyên hải. Chiến thuyền nhà vua ra đối địch bị giặc đánh đắm mất cả. Nhà vua rất lo sợ, sai rao trong thiên hạ ai có cách gì lui được giặc dữ sẽ phong cho quyền cao chức trọng. Yết Kiêu bèn tìm đến tâu vua rằng:

– Tôi tuy tài hèn sức yếu nhưng cũng quyết cho lũ chúng nó vào bụng cá.

Vua hỏi:

– Nhà ngươi cần bao nhiêu người? Bao nhiêu thuyền bè?

– Tâu bệ hạ, ông đáp, chỉ một mình tôi cũng có thể đương được với chúng nó.

Nhà vua mừng lắm, liền phong cho ông làm Đô Thống cầm thủy quân đánh giặc. Ông đến Vạn Ninh cho quân sĩ nghỉ ngơi, chỉ bảo họ sắm cho mình một cái khoan, một cái búa. Đoạn, một mình ông lặn xuống đáy biển đi ra chỗ tàu giặc. Ông tìm đến đáy tàu vừa khoan, vừa đục. Ông làm rất lẹ và im lặng, tàu giặc cứ đắm hết chiếc này đến chiếc khác. Trong một hôm, chúng bị đắm luôn một lúc hơn hai mươi chiếc. Thấy thế, quân giặc hoảng loạn cả lên. Chúng sai những tên quân có tài bơi lặn lặn xuống nước do thám. Mấy tên quân đó tìm mãi mới thấy Yết Kiêu đang khoan một chiếc tàu. Bọn chúng xông lại nhưng chúng đâu có phải là địch thủ của ông, cho nên cuối cùng ông không để cho một đứa nào trở về.

Quân giặc vô cùng sợ hãi. Mãi về sau tên tướng giặc đem một cái ống dòm thủy tinh có phép nhìn được thấu qua nước đến đáy biển. Chúng thấy ông đi lại thoăn thoắt như đi trên bộ, bèn đem cái vó bằng sắt nhân lúc ông đang mải đục một chiếc tàu, buông xuống chụp lấy ông. Nhờ thế chúng bắt sống được Yết Kiêu. Lập tức chúng tra khảo ông:

– Trong nước mày những người lặn như mày có bao nhiêu người?

Ông bảo chúng:

– Không kể những người đi lại dưới nước suốt mười ngày không lên, còn như hạng ta thì một trăm chiếc tàu của chúng bay cũng không thể chở hết. Hiện giờ ở dưới đó hết lớp này xuống lại lớp kia lên không mấy khi vắng người.

Nghe nói thế, bọn giặc kinh sợ cuối cùng chúng dỗ dành:

– Mày muốn tốt phải đưa chúng tao đi bắt sẽ có hậu thưởng, bằng không thì sẽ giết chết.

– Được, theo ta, ta chỉ cho!

Quân giặc tưởng thật, bắt ông cùng với mười tên quân đem vó sắt ngồi trên thuyền nhỏ ra biển dò tìm. Thừa lúc chúng vô ý, ông nhảy tòm xuống nước trốn đi. Chúng nó trông nhau ngơ ngác. Bấy giờ quân giặc đã bị thiệt hại khá nặng, lại nghe Yết Kiêu nói nước Nam có nhiều người tài lặn nên cuối cùng chúng đành phải quay tàu trở về không dám quấy nhiễu nữa. Nhà vua mừng quá, khen ngợi Yết Kiêu vô cùng, phong ông làm Đại Vương. Sau khi ông mất, mọi người nhớ ơn lập đền thờ ở cửa Vạn Ninh và ở nhiều cửa biển khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *