(truyện Trạng Quỳnh)
Từ thuở bé ngoài tính nghịch ngợm hiếu động, Quỳnh còn tỏ ra thông minh xuất chúng khi học rất giỏi và đối đáp hay, nhất là khi ứng khẩu. Trong làng cậu bé Quỳnh có một người hay chữ nhưng tính tình kiêu ngạo đi đâu cũng khoe khoang, tên gọi là ông Tú Cát. Tất nhiên, từ nhỏ Quỳnh đã ghét những người có bản tính như vậy. Một hôm, Quỳnh đang đứng xem đàn lợn ăn cám thì Tú Cát đi qua. Đã được nghe người ta đồn đãi về thần đồng này, Tú Cát không ưa gì Quỳnh, ông ta ra vẻ kẻ cả gọi Quỳnh đến bảo:
– Ta nghe thiên hạ đồn mày là đứa thông minh, ứng đáp rất giỏi. Bây giờ ta ra cho mày một vế đối, nếu mà không đối được thì sẽ biết tay. Nhất định ta sẽ đánh đòn cho chừa các tật láo, nghe chưa!
Nói xong, không đợi Quỳnh thưa lại, Tú Cát liền gật gù đọc:
– Lợn cấn ăn cám tốn.
Đây là một câu đối rất hắc búa bởi “Cấn” và “Tốn” vừa chỉ lợn và thức ăn của lợn lại vừa là hai quẻ trong Kinh Dịch, người có học nhiều còn thấy khó. Thế nhưng không nao núng Quỳnh đọc lại ngay:
– Chó khôn chớ cắn càn.
Quả là một vế đối vừa chỉnh vừa có ý xỏ xiên. “Khôn” và “Càn” cũng là hai quẻ trong kinh Dịch, Quỳnh lại còn ngầm ý chửi Tú Cát là đừng có mà rắc rối. Bị thằng nhỏ hơn mình chơi lại một đòn đau, Tú Cát tức lắm, hầm hầm bảo:
– Được để coi mày còn thông minh đến cỡ nào. Tao còn một vế nữa, phải đối ngay thì tao phục!
Nói xong Tú Cát đọc ngay:
– Trời sinh ông Tú Cát!
Vế vừa ra mang tính cách ngạo nghễ, phách lối. Nào ngờ Quỳnh chỉ ngay xuống đất, dưới lớp phân heo đùn lên những ụ nhỏ mà đáp:
– Đất nứt con Bọ Hung!
Đến nước này thì dù tức đến hộc máu mồm, Tú Cát cũng đành cút thẳng.
Trả lời