(truyện Trạng Lợn)
Cứ ba năm thì nước ta phải cử người đi sứ sang Tàu một lần, lần này nhà vua cử Trạng đi. Trạng Ăn, Trạng Vật, Trạng Cờ cùng đi theo. Tới ải Nam Quan, quân canh không mở cửa, một lát đem ra một cái biển có viết chữ “Thập”, rồi lấy tay chỉ đông chỉ tây. Trạng bực mình quay lại bảo viên phó sứ:
– Nó muốn dọc ngang thì khoanh cho nó một cái vòng tròn.
Thấy cái vòng tròn, quân Tàu giật mình nghĩ rằng:
– Ta viết chữ “Thập” ý muốn nói “Tung hoàng vũ trụ,” thế mà nó biết đối lại là “Bao quát càn khôn.” Giỏi thật!
Qua Nam Quan rồi, đến một quãng đồng bát ngát, trông thấy một ả con gái đương vạch quần đái, Trạng chỉ tay bảo viên phó sứ rằng:
– Nong tay chí bẹn đỏ hân hân.
Nói xong, cùng cười ầm cả lên. Lệ đi sứ, hễ ông chánh sứ nói câu gì, thì ông phó sứ ghi câu ấy. Không dám ghi nguyên văn câu nói của Trạng vào sổ, viên phó sứ chép ra “Đông Tây chí Biện đổ hân hân” nghĩa là “Người miền Đông, người miền Tây đi đến Biện Kinh thấy rất vui vẻ.” Khi qua đến đất Biện Kinh, quan sở tại ra đón vào rồi viết một vế câu đối “Nam Bắc lai triều dạ tể tể” xin sứ đối cho, Trạng quay lại bảo viên phó sứ cứ giơ cái giấy biên lúc nãy đọc lên. Viên phó sứ đọc:
– Đông Tây chí Biện đổ hân hân.
Quan Tàu kinh sợ nói:
– Ngài là thần đồng phù thủy chớ đâu lại có người giỏi đến thế.
Sang đến Yên Kinh, vào yết kiến vua Tàu. Vua Tàu muốn thử sứ, ngầm sai người trang hoàng một chổ cung quán rất lịch sự, đề hai chữ “Kính Thiên” treo gian giữa, bày một đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh bày nghi vệ sang trọng lắm, như là một chổ giường ngự của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi hay không. Khi sắp đãi yến, họ đưa Trạng và phó sứ đi xem khắp nơi rồi mới đưa đến đấy. Trạng tưởng chổ ấy là để khoản đãi mình, leo phắt lên ngồi. Ông phó sứ ngửa lên thấy hai chữ “Kính Thiên” khẽ trỏ tay lên bảo. Trạng mới ngẩng lên rồi thủng thỉnh bảo phó sứ rằng:
– Đó chẳng phải là chổ đợi chúng ta ngồi là gì? Ngài cứ lên đây!
Ông phó sứ chưa hiểu thế nào, cũng cứ ngồi lên, nhưng vẫn có ý sợ, mà Trạng thì cứ nói cười ung dung. Có một người quan Tàu ra chỉ tay lên đấy, hạch rằng:
– Cớ sao sứ An Nam lại ngạo ngược vô lễ như vậy? Không trông lên trên kia xem chỗ này là chỗ thế nào mà dám nhảy lên ngồi chễm chệ ở đây là nghĩa làm sao?
Trạng nói:
– Dám thưa, đại thần lấy tội gì mà lại cho hạ quan là ngạo ngược. Hạ quan thấy biển đề rõ ràng là ba chữ “Kính Nhị Nhân”. Thực là bản ý thượng quốc muốn đem cái ngôi này để hậu đãi sứ thần xa lại, chứ không phải lỗi tiểu sứ. Ngài mà dạy thế, chúng tôi quyết không chịu. Và nghe cổ nhân có nói “Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực.” Tôi nghe thánh triều thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà người phương xa tới, lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có thực lòng ngưỡng mộ, cũng sinh bụng nghi mà không lại nữa.
Quan Tàu thấy Trạng nói chẻ hoe như là đã biết ruột gan rồi, vội vàng ta lại rằng:
– Thôi xin quý sứ xá lỗi, xá lỗi! Nghĩ là buổi mới, thử xem có phải bậc tài giỏi không mà thôi. Nhưng mà quý sứ là bậc thông minh thực! Đã giỏi mà biết trước như thế, còn có hề gì.
Hôm sau, vua Tàu cùng các sứ dạo vườn ngự uyển đầy hoa thơm cỏ lạ, dưới có hồ bán nguyệt, trên hồ có đình bác giác bốn bề bỏ trống, giữa đình treo hai chữ ngự thi, đó là “Trùng Nhị”. Vua Tàu hỏi sứ có biết đó là ý gì không? Các sứ còn đang suy nghĩ chưa biết trả lời thế nào, Trạng thấy phong cảnh đẹp nên buột miệng khen rằng:
– Rộng thánh hoàng, đây thực là phong nguyệt vô biên.
Hai chữ “Trùng Nhị” vốn lấy nghĩa từ chữ “Phong” và “Nguyệt” không có bên ngoài thành ra chữ “Phong Nguyệt Vô Biên”, vua Tàu thấy Trạng ứng đối nhanh nhẹn và hiểu được hai chữ ấy, khen mãi, phán rằng:
– Ừ, sứ An Nam thực là thông minh có một, đáng tài Trạng.
Năm sau hạn hán to, vua Tàu yêu cầu sứ ta lập đàn cầu mưa, Trạng nhận lời nhưng lo lắm vì không biết cầu bảo cách nào cho có mưa. Chợt nhớ tục bên ta thường bảo khi nào cỏ gà và rễ si trắng là trời sắp mưa. Trạng bèn bảo lập một cái chòi cao, trên dán la liệt các thứ bùa, các thứ bát quái, các vị sao, các vị thần ra trợ, một mặt sai người đi xem hễ thấy cỏ gà, rễ si trắng thì về bảo ngay. Vài hôm sau có người về báo tin cỏ gà, rễ si trắng rồi. Trạng lên đài xõa tóc chống gươm, bắt quyết rồi đọc một tràng toàn những tiếng lóng lái heo, ai nghe cũng không hiểu mô tê gì cả như mộc tinh, thâm tinh cổ tinh, kẹo tinh, chó tinh rồi kết cục bằng loạt linh tinh beng, linh tinh beng ma, linh tinh quỷ… Đoạn cầm một bình nước lấy một cành lá vẩy lên trời, hét ba tiếng khóc ba tiếng. Lễ chưa xong thì sấm sét ù, mưa xuống như trút. Vua Tàu và các quan Tàu khiếp sợ và cho rằng Gia Cát Vũ Hầu ngày xưa nhất định không thể nào sánh kịp.
Hết hạn đi sứ, Trạng được về nhưng vì phục tài nên vua Tàu cố nằn nì Trạng ở lại để dạy hoàng tử. Trạng bèn sai lập một cái chòi thật cao, bắt hoàng tử phải trèo lên. Vì sung sướng quen thân, hoàng tử mệt muốn chết, trèo lên tới lầu thì thở hồng hộc. Trạng hét mắng, dặn hoàng tử sao không chào thầy lại đứng thở như bò. Như thế là hỗn, tiên học lễ hậu học văn. Trạng sai nẹt hoàng tử ra đánh, đánh rồi mắng, mắng rồi lại đánh, không dạy một chữ nào. Thấy thầy dữ đòn quá, hoàng hậu đành phải nói với vua Tàu xin để cho Trạng về kẻo “sứ An Nam nhớ nước nhớ nhà, cáu kỉnh đánh con mình có khi chết mất.” Thế là Trạng thành công trong việc thiết mưu lập kế để được vua Tàu cho về nước.
Về sau, Trạng Lợn được phong làm Thượng Quốc Công, còn Phấn Nương được phong làm Thất Phẩm Phu Nhân, cả hai vợ chồng cùng ngao du sơn thủy đàn địch ca hát nay bến này, mai bến khác.
Trả lời