(cổ tích Việt Nam)
Ở làng kia, có một người đàn bà rất chăm làm. Từ mờ sáng, khi chim Mơ Lang vừa cất tiếng hót thì đã thấy bà rời làng lên nương rồi. Bà cặm cụi làm việc cho đến khi ngôi sao Bắc Đẩu lấp lánh trên trời cao mới trở về làng. Một hôm, đang làm rẫy bà bỗng thấy trong người choáng váng, khó chịu, cổ họng khô cháy như lửa đốt. Bà vội tìm đến chiếc chòi giữa rẫy, nhấc ống nước định uống thì thấy trong ống chẳng còn giọt nước nào. Cơn khát ngày càng hành hạ bà. Bà đảo mắt nhìn quanh để tìm nước uống, chợt thấy xa xa từ khe núi có một khe nước đang nhỏ giọt. Bà mừng rỡ vội vã rảo cẳng chạy tới. Đó là một quả núi giống hình một người đàn ông to lớn, đang cầm chà gạc (một loại vũ khí đi rừng của người Tây Nguyên) ngó trời. Từ trên đỉnh đầu hình người chảy ra những giọt nước trong vắt, mát lạnh. Bà ngửa cổ vừa uống ba ngụm đã thấy cơn khát dịu ngay, cổ họng còn đọng mãi vị thơm ngọt của dòng nước lạ.
Từ hôm đó, bà thấy trong người khang khác và bụng ngày một to dần. Bà đã thụ thai. Nhưng đã chín tháng mười ngày rồi mà bà vẫn chưa đẻ. Một năm, rồi hai năm, ngày sinh vẫn chưa tới. Cho mãi đến năm thứ ba, vào một ngày mặt trăng và mặt trời gặp nhau (hiện tượng Nhật Thực) tỏa ánh sáng vàng dìu dịu, bà mẹ mới trở dạ. Bà sinh được ba đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh và giống nhau như lột. Ngày tháng trôi qua, ba đứa trẻ lớn dần lên. Từ đấy, núi rừng có thêm ba chàng trai khỏe mạnh. Cánh tay họ cứng như sắt có thể bẻ gãy cây to như ngắt ngọn cỏ. Cặp chân họ chạy nhanh như gió, một bước nhảy vượt băng một cánh rừng. Mắt họ sáng, nhìn xa hơn mắt chim ưng. Thấy các con đã khôn lớn, một hôm bà mẹ bảo họ:
– Đất trời mình còn rộng lắm. Các con hãy chia nhau đi các ngả mà làm ăn. Lâu lâu, các con hãy về thăm mẹ nhé!
Ba chàng trai vâng lời, từ biệt mẹ lên đường. Người em út theo hướng mặt trời mọc mà đi. Đường đi mỗi ngày một xuống thấp và chẳng bao lâu đồng bằng bát ngát, biển khơi mênh mông sóng nước hiện ra. Người em út ưng miền đất đẹp này lắm và chọn nơi ấy làm chốn ở của mình. Từ đó, ngày tắm nước bể trong xanh, đêm nằm dài trên cát mịn, da dẻ chàng thay đổi dần, trắng trẻo như cục bột. Người ta gọi chàng là Chàng Ngọc.
Người em thứ hai cứ theo hướng mặt trời lặn mà đi. Đất dưới chân chàng ngày một cao dần lên, rừng rậm trùng điệp hiện ra và núi non hùng vĩ nhô lên như chào đón chàng. Gặp một khe suối nước chảy óng ánh như màu đồng hun, chàng cởi áo lội qua bờ bên kia. Dòng nước kỳ lạ ấy đã làm cho người em thứ hai khi từ khe nước bước lên đổi hẳn màu da, trở thành ngăm ngăm đen hệt như màu nước. Thấy đất màu mỡ, chàng bèn dừng lại và dựng trại làm ăn. Từ đó người ta gọi chàng là Chàng Lèo.
Còn người anh cả ở giữ quê hương. Chàng dựng lên một chiếc nhà rông cao nhất trời, mái nhà cong vút chấm tới mây, cột nhà dựng san sát như cây rừng. Chàng sống ở đó, trông núi rừng cho suối đánh đàn, cho hoa nhảy múa, cho muôn thú và gió lộng hát ca.
Trả lời